Đẳng sâm và nhân sâm đều là những dược liệu vô cùng giá trị đối với sức khoẻ của chúng ta. Cùng là sâm, tuy nhiên giữa 2 loại sâm này có những điểm khác biệt không phải ai cũng biết. Hãy cùng tìm hiểu xem đẳng sâm và nhân sâm khác nhau thế nào, để có cách sử dụng đúng nhất, không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ nhé.
Mục lục:
» Đẳng sâm là gì
» Nhân sâm là gì
» Đẳng sâm và nhân sâm khác nhau thế nào
1. Đẳng sâm là gì?
Đẳng sâm, hay còn có tên khoa học là Codonopsis sp. Đẳng sâm là loài cây cỏ sống lâu năm, thân leo, rễ dài. Đẳng sâm là một loại thảo dược quý tại Việt Nam, vào những năm 90 lượng đẳng sâm tự nhiên được khai thác lên đến 10 - 30 tấn/ một năm. Tuy nhiên hiện tại, số lượng đẳng sâm tự nhiên ngày càng ít. Đẳng sâm tự nhiên còn được đưa vào sách đỏ Việt Nam năm 1996 để được bảo vệ. Đẳng sâm dược liệu hiện được nuôi trồng là chủ yếu, tại 14 tỉnh miền núi của Việt Nam. Ngoài ra, đẳng sâm còn có ở một số quốc gia khác. Và tại những quốc gia này đẳng sâm có tên gọi khác nhau. Đẳng sâm thuộc họ hoa chuông, thường mọc thành cụm và là loại cây sống lâu năm. Đẳng sâm có vị ngọt, tính mát nên rất lành tính và dễ uống.
2. Nhân sâm là gì?
Nhân sâm có tên khoa học là Radix Ginseng. Nhân sâm vốn là loài thảo dược quý và rất khó trồng, từ xưa nhân sâm đã được xếp vào 1 trong 4 vị thuốc quý: sâm - nhung - quế - phụ. Rễ là phần dược liệu chính của cây nhân sâm. Chất rễ tương đối cứng, bề mặt màu trắng hơi vàng, có mùi thơm rất đặc trưng. Nhân sâm ngọt, hơi đắng, vị ôn. Nhân sâm là vị thuốc rất bổ, đại bổ nguyên khí, an thần, dưỡng huyết. Nhân sâm chất lượng trên thế giới hiện nay phải kể đến nhân sâm Hàn Quốc và sâm Triều Tiên. Nhân sâm của những vùng này đem lại chất lượng dược liệu tốt nhất và cũng có điều kiện đất đai, khí hậu nhất để nhân sâm phát triển. Giá cả của nhân sâm cũng cao hơn đẳng sâm.
3. Đẳng sâm và nhân sâm khác nhau thế nào?
Hình dáng
Nếu chỉ quan sát sơ qua, bạn có thể dễ dàng bị nhầm lẫn giữa đẳng sâm và nhân sâm. Tuy nhiên, hai loại sâm này có đặc điểm bề ngoài khác nhau vài điểm:
Đẳng sâm là cây thân thảo, hay mọc thành cụm và sống lâu năm. Thân cây có màu tím sẫm hoặc hồng tía và thường hay quấn vào các loại cây khác, trên thân có phủ một lớp lông tơ trắng. Lá cây có hình lưỡi mác mọc đối xứng, hoa đẳng sâm có dạng chuông màu xanh ngả vàng rất đẹp. Quả sâm có màu xanh đậm, hình chùy bên trong có nhiều hạt bóng màu nâu đậm. Củ đẳng sâm mọc sâu dưới lòng đất khoảng 50-70cm có màu vàng nhạt gần ngả màu trắng, trên thân củ không nhiều nhánh rễ như các loại nhân sâm thường thấy. Củ sâm sau khi thu hoạch thường sạch sẽ không quá nhiều bùn đất bám và thường có mùi thơm nhẹ.
Nhân sâm củ thường có đầu to, rắn chắc, thân sâm có màu nâu đậm hoặc sẫm vàng. Kích thước thân sâm gần bằng đầu sâm và thường có hình dáng gần giống hình người rõ ràng. Phần chân sâm có nhiều rễ phụ mọc ra. Củ nhân sâm sau khi thu hoạch thường bám rất nhiều bùn đất, nhất là trong các kẽ sâu trên thân sâm. Đặc biệt nhân sâm có mùi thơm rất đậm và lưu lại rất lâu.
Phân bổ
Đẳng sâm cũng chia thành 2 loại là đẳng sâm Bắc và đẳng sâm Nam. Trong đó, đẳng sâm Nam được tìm thấy tại một số tỉnh của Trung Quốc và Việt Nam. Đẳng sâm là loại cây rất dễ trồng và chúng cũng mọc hoang ngoài tự nhiên rất nhiều, nhất là những vùng rừng núi phía Bắc của nước ta. Đẳng sâm thường phân bổ ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… và một số tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, Lâm Đồng,..Riêng đẳng sâm Bắc thì phân bổ ở khu vực Triều Tiên và Đông Bắc Châu Á, chúng thường mọc ở bờ suối và những cánh rừng thưa.
Nhân sâm thích hợp với những vùng có khí hậu ôn đới nhất là các dãy núi cao. Nói về nhân sâm thì không thể không nói đến nhân sâm Hàn Quốc, nghề trồng và chế biến nhân sâm cũng là nghề truyền thống của dân tộc. Nhân sâm Hàn Quốc còn nổi tiếng về chất lượng và chủng loại. Ngoài Hàn Quốc thì nhân sâm phân bố ở các vùng ôn đới như Bắc bán cầu, Triều Tiên, Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số vùng núi cao Việt Nam.
Dược tính
Đẳng sâm và nhân sâm đều là những thảo dược quý được sử dụng làm dược liệu ở nhiều quốc gia.
Đẳng sâm có chứa rất nhiều vitamin cùng nhiều khoáng chất tốt cho cơ thể. Một số hoạt chất sinh học được tìm thấy trong thành phần của đẳng sâm như: alkaloid, choline, glucose, inulin, saponin, xylose, fructose… và nhiều nguyên tố vi lượng như: Fe, Mg, Zn...
Nhân sâm được xem là loại dược liệu đại bổ với thành phần dược tính có ít nhất 12 loại glycosid, 14 loại acid amin, các hợp chất phenol, flavonoid, phytosterol, các loại saponin, các loại đường và các khoáng chất như: Na, K, Mg, Mn, Fe, Cu, Zn...
Công dụng
Theo y học cổ truyền, đẳng sâm và nhân sâm đều thuộc vào loại dược liệu bổ khí. Thành phần của hai loại sâm này đều chứa saponin, nhiều khoáng chất và vitamin và nhiều nguyên tố vi lượng. Nên sử dụng đẳng sâm và nhân sâm đều đem lại những công dụng rất có lợi cho sức khỏe:
- Tăng cường sức đề kháng và chức năng hệ miễn dịch, tăng sức bền vận động, giảm mệt mỏi và chống đỡ bệnh tật cho cơ thể.
- Có tính kháng viêm mạnh mẽ, giúp cơ thể nhanh lành những vết thương, ngăn ngừa nhiễm trùng. Phòng chống một số căn bệnh nhiễm khuẩn.
- Hoạt chất saponin có trong đẳng sâm và nhân sâm giúp lưu thông máu huyết, loại bỏ các thành phần mỡ, cholesterol xấu ra khỏi mạch máu. Tăng cường chức năng của hệ tuần hoàn, kích thích máu lưu thông và bơm đều đến các cơ quan của cơ thể. Bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa các căn bệnh như tắc nghẽn, xơ vữa động mạch, đột quỵ.
- Sâm còn tác dụng an thần, giảm stress, cải thiện tinh thần, giúp chúng ta minh mẫn hơn, ăn ngủ ngon hơn.
Mặc dù giá trị không cao bằng nhân sâm, nhưng công dụng lại có thể sánh ngang nên đẳng sâm thường được dùng thay thế nhân sâm trong các bài thuốc. Đặc biệt, đẳng sâm có vị ngọt, tính bình, lành tính, không độc nên dễ dùng và không kén người sử dụng như nhân sâm.
Xem thêm: Tác Dụng Của Đẳng Sâm Với Sức Khỏe
Đối tượng không nên dùng
Như đã nói, mặc dù cả đẳng sâm và nhân sâm đều đem lại nhiều lợi ích to lớn cho sức khỏe. Nhưng so về tác dụng phụ thì đẳng sâm an toàn và lành tính hơn. Hầu như mọi người đều có thể sử dụng đẳng sâm, trừ những trường hợp phụ nữ có thai và đang cho con bú, trẻ em dưới 14 tuổi chưa cần dùng.
Còn nhân sâm, mặc dù xếp vào hàng dược liệu vô cùng quý, đại bổ dưỡng, nhưng không phải ai cũng dùng được:
- Nhân sâm không tốt cho những người bị cao huyết áp. Vì sử dụng nhân sâm có thể làm tăng huyết áp tức thời và có thể dẫn đến tai biến. Đặc biệt là ngay phần cuống sâm.
- Nhân sâm sinh nhiệt, do vậy những người bị bệnh gan, viêm túi mật, sỏi mật đều không nên dùng vì có thể khiến bệnh nặng thêm.
- Người đang bị viêm loét dạ dày, đau bụng đi ngoài cũng không nên dùng nhân sâm.
- Nhân sâm có tác dụng dưỡng khí huyết, bổ dương khí vì vậy cũng không nên dùng cho trẻ dưới 14 tuổi. Vì giai đoạn này khí huyết của trẻ thịnh dương, dùng nhân sâm sẽ không tốt. Ảnh hưởng đến sinh lý của trẻ về sau.
Qua những thông tin trên, có lẽ bạn đã có thể phân biệt được sự khác nhau giữa đẳng sâm và nhân sâm rồi chứ. Đẳng sâm là một loại dược liệu có giá thành thấp hơn nhưng lại có công dụng tương đương và an toàn hơn cho các đối tượng như người cao huyết áp hoặc đau dạ dày. Với những chia sẻ trên, hy vọng bạn sẽ tìm ra loại sâm phù hợp với nhu cầu của mình và sử dụng hiệu quả để nâng cao sức khỏe nhé!
» Bài viết tham khảo: