1. Ung thư cổ tử cung là bệnh gì?
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên thế giới. Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung nếu làm xét nghiệm Pap thường xuyên. Bạn có thể chữa khỏi ung thư cổ tử cung có thể nếu phát hiện bệnh sớm. Ngày nay, có rất nhiều phương pháp khác nhau để làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, đây là lý do số lượng trường hợp ung thư cổ tử cung đang giảm dần trên thế giới.
Ung thư cổ tử cung do các tế bào ở cổ tử cung (phần dưới của tử cung) bắt đầu phát triển vượt quá mức kiểm soát của cơ thể gây ra. Các tế bào mới này phát triển quá nhanh chóng và tạo ra khối u trong cổ tử cung.
2.Triệu chứng thường gặp
2.1.Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung là gì?
Ở giai đoạn đầu, phụ nữ bị ung thư cổ tử cung và tiền ung thư không có triệu chứng, chỉ đến khi khối u phát triển lớn hoặc ảnh hưởng đến một số chức năng trong cơ thể thì mới các triệu chứng mới xuất hiện. Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Chảy máu bất thường từ âm đạo, chẳng hạn như chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, thời gian dài hơn so với chu kỳ bình thường, chảy máu sau hoặc trong khi quan hệ, chảy máu sau khi mãn kinh, chảy máu sau khi đi vệ sinh hoặc khám phụ khoa;
- Đau ở bụng dưới hoặc xương chậu;
- Đau khi quan hệ tình dục;
- Tiết dịch âm đạo bất thường, chẳng hạn như có ít máu từ dịch âm đạo tiết ra.
Một số bệnh khác, chẳng hạn như nhiễm trùng, cũng có thể gây ra các triệu chứng giống với ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, cho dù nguyên nhân gì, bạn cũng nên đến bác sĩ để kiểm tra các triệu chứng. Nếu bạn xem nhẹ và bỏ qua những triệu chứng này, bệnh sẽ ngày càng nặng hơn và không thể điều trị hiệu quả.
Bạn cũng có thể phòng ngừa bệnh tốt hơn bằng cách thường xuyên làm xét nghiệm tầm soát ung thư như xét nghiệm Pap và khám phụ khoa.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
2.2.Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
3. Nguyên nhân gây bệnh
3.1.Những nguyên nhân nào gây ra bệnh ung thư cổ tử cung?
Hầu hết tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra thông qua quan hệ tình dục.
Có hơn 100 loại virus HPV, nhưng hầu hết đều vô hại. Thực tế, hầu hết mọi người đều nhiễm HPV ở một thời điểm nào đó trong đời. Một số loại HPV có thể không gây triệu chứng gì cả, một số có thể gây ra mụn cóc sinh dục và một số có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Hai chủng virus HPV (HPV 16 và HPV 18) chiếm 70% tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung. Hai loại virus HPV này không gây ra bất kì triệu chứng nào nên bạn không thể biết mình có đang bị nhiễm virus hay không.
Bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện virus HPV thông qua xét nghiệm Pap, đây là lý do tại sao xét nghiệm Pap rất quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm Pap có thể xác định các tế bào bất thường trước khi chúng trở thành ung thư. Nếu bác sĩ chữa lành hoặc cắt bỏ các tế bào bị tổn thương, bạn sẽ thoát khỏi bệnh ung thư.
3.2.Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc bệnh ung thư cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên thế giới và xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể phòng ngừa bệnh bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Nhiễm virus HPV: quan hệ tình dục với nhiều người có thể làm bạn tăng nguy cơ nhiễm HPV 16 và 18;
- Hút thuốc: thuốc lá chứa nhiều hóa chất có thể gây hại cho cơ thể. Phụ nữ hút thuốc sẽ dễ bị ung thư cổ tử cung gấp hai lần so với người không hút thuốc;
- Ức chế miễn dịch: thuốc hay các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), virus gây ra bệnh AIDS, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng HPV và dẫn đến ung thư cổ tử cung;
- Nhiễm chlamydia: một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung sẽ tăng cao nếu bạn đã hoặc nhiễm chlamydia;
- Ăn ít trái cây và rau quả: phụ nữ ăn không đủ các loại trái cây và rau quả sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung;
- Thừa cân: phụ nữ thừa cân có nhiều khả năng bị ung thư cổ tử cung;
- Sử dụng thuốc tránh thai lâu dài: các nhà nghiên cứu đưa ra bằng chứng về việc uống thuốc ngừa thai trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung;
- Sử dụng thiết bị trong tử cung: một nghiên cứu gần đây cho thấy những phụ nữ từng sử dụng dụng cụ tử cung (IUD, một thiết bị được đưa vào tử cung của bạn để ngăn ngừa mang thai) có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung thấp hơn bình thường;
- Mang thai nhiều: những phụ nữ mang thai 3 lần hoặc nhiều hơn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung;
- Mang thai lần đầu khi dưới 17 tuổi: phụ nữ dưới 17 tuổi mang thai lần đầu sẽ có khả năng mắc bệnh gấp 2 lần so với người bình thường;
- Hoàn cảnh sống khó khăn: phụ nữ nghèo đói sẽ không thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ, bao gồm cả xét nghiệm Pap;
- Diethylstilbestrol: diethylstilbestrol là thuốc nội tiết tố dùng để ngăn ngừa sảy thai. Các mẹ dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai thường có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung. Con gái của những người này cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này;
- Bệnh sử gia đình: người thân trong gia đình bị ung thư cổ tử cung hoặc ung thư vú;
- Di truyền: nếu mẹ hoặc chị em bị ung thư cổ tử cung, nguy cơ bạn mắc bệnh sẽ tăng lên 2-3 lần cao hơn so với người bình thường.
Nguồn: hellobacsi.com