LẼ NÀO KHỔ MIẾT ...

Lẽ nào khổ miết - trích: Trên Đường Băng của Tony Buổi Sáng 
Có một lần lúc Tony mở inbox, một bạn đã gửi tin nhắn giới thiệu một loại trà lá khổ qua (mướp đắng) lên men do bạn ấy tự sản xuất, nói đã đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Tony vô cùng ngạc nhiên vì với cơ sở mới thành lập, để đạt tiêu chuẩn thế giới này, không hề đơn giản. Bạn có nhã ý muốn gặp Tony để trình bày sản phẩm rõ hơn. Sáng đó, Tony hẹn đi cà phê với bạn. Bạn đến đúng giờ, chính xác tuyệt đối, nên Tony rất lấy làm nể phục. Tác phong công nghiệp và chuyên nghiệp là đây. Bạn kể, tốt nghiệp ngành sinh học, bạn làm giảng viên, sau đó nghiên cứu ngành dược phẩm ứng dụng từ công nghệ sinh học, nôm na là lấy cây cỏ nước Nam mình chiết xuất ra dược liệu. Những công trình khoa học thay vì bỏ trong ngăn bàn, các bạn đem ra ứng dụng thực tế. Tuy nhiên, phần lớn đều thất bại, vì trời đất vốn công bằng, không thể cho ai đó vừa có tư duy khoa học, vừa có tư duy kinh doanh nhạy bén, vừa có khả năng sản xuất, vừa có thể marketing Các bạn đã tập hợp lại, 8 con người của đủ mọi lĩnh vực, hùn hạp làm ăn với nhau. Đều là các bạn trẻ khởi nghiệp, nên vốn liếng hùn nhau cứ ngày càng vơi đi theo các chi phí phát sinh không như các bạn dự trù. Sản phẩm ban đầu là rượu vang từ hạt khổ qua thất bại, mặc dù đây là một công trình khoa học đoạt giải rất cao. Không nản chí, các bạn tiếp tục lấy công trình khác ứng dụng sản xuất thực tế, rồi lại thất bại. Cuối cùng, như người xưa hay nói “cánh cửa này đóng, cánh cửa khác lại mở ra”, đó là việc tận dụng thân, rễ, lá của cây trồng này làm nước uống. Nghiên cứu cho thấy, tính dược liệu trong các thành phần bị coi là phế phẩm này lại cao hơn cả ở quả. Thế là các bạn lên ý tưởng mới, cắt thân, lá khổ qua, sấy khô, rồi lên men, tạo trà. Mẻ sản phẩm đầu tiên, thấy không ngon gì cả, mùi cây cỏ hoang dã quá. Thế là các bạn thức đêm ở suốt phòng thí nghiệm cải tiến công thức, thêm vào lá bạc hà để có vị cay ấm, thêm vào lá cỏ ngọt để dịu vị đắng. Sấy khô rồi sấy lạnh, tỷ lệ thế nào để hợp lý nhất…để ra một công thức hoàn hảo. Sản phẩm mới sau khi cải tiến, niềm vui chưa bao lâu thì các bạn đối mặt với gánh nặng đầu tiên, tiền đâu? Tiền đâu để sản xuất đại trà. Nhiều phương án và tính toán được thực thi. Ngoài nguyên liệu là khổ qua, lá bạc hà và cỏ ngọt cũng được các bạn tự trồng, vừa giảm chi phí vừa theo dõi chất an toàn nông sản theo quy trình GlobalGAP. Từ việc tìm kiếm máy móc để sấy lạnh, hút chân không, bao bì nhãn mác…các bạn ròng rã tìm trong mấy tháng quên ăn quên ngủ, ở đâu bán rẻ nhất là các bạn tìm đến giao dịch. Song song đó, các bạn còn đăng ký với bộ y tế để có thể lưu hành như một loại thực phẩm chức năng, và đăng ký giấy chứng nhận GlobalGAP để có thể xuất khẩu. Để có được những dòng chữ này trên sản phẩm, là những đêm mất ngủ, những tài liệu hàng trăm trang phải đọc và triển khai, là hàng loạt các quy định nghiêm ngặt phải tuân thủ, kể cả bắt sâu bằng tay… Sản phẩm Karantina ra đời, đẹp lung linh, sang trọng vô cùng nhưng… không bán được. Tiền đâu quảng bá tiếp thị, vì xưa nay thực phẩm chức năng của nước ngoài thường do các tập đoàn kinh doanh, họ có ngân sách lớn. Các bạn cầm từng hộp trà đến các nhà thuốc chào hàng, và sức mua thì vẫn không khá hơn. Có nhiều người khuyên các bạn bỏ cuộc, vì sản xuất thực phẩm chức năng không dành cho nước nghèo, nước nghèo chỉ nên mua lại thuốc men, thực phẩm chức năng của Mỹ, của châu Âu, của Nhật, của Hàn Quốc…và kinh doanh để kiếm tiền, thế thôi. Mình chỉ nên xuất khẩu nguyên liệu thô qua cho nước ngoài họ làm, rồi nhập lại thành phẩm. Các bạn không nghĩ vậy. Xoay sở trong những nỗ lực khủng khiếp, mấy chục con người đều là tiến sĩ thạc sĩ cử nhân sinh học, đã ra bỏ chiếc áo blouse trắng, từ phòng thí nghiệm bước ra ngọn đồi cuốc đất trồng rau. Tranh thủ tiêu chuẩn GlobalGAP, các bạn tiến hành trồng rau sạch, xà lách, bầu bí, dưa leo, cà chua….phủ xanh cả chục hectare đất xung quanh nhà máy, và bán sản phẩm này vào các siêu thị cao cấp, các khách sạn năm sao….để có thể duy trì hoạt động công ty. Vì rau của các bạn hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học nên đáp ứng tiêu chuẩn hàng nông sản sạch. Tiền bán rau, các bạn tái đầu tư vào những hộp trà khổ qua, với niềm tin sắt đá là, lẽ nào thực phẩm chức năng chỉ là sân chơi của những nước giàu? Lẽ nào các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên chỉ là những luận án bảo vệ xong và để trong thư viện? Sản phẩm Karantina của các bạn có gửi Tony dùng. Cảm nhận đầu tiên là vị rất ngon, thơm ngát. Đem tặng các cụ già trong nhà Tony, ai cũng nói là giúp ngủ ngon, hạ đường huyết, thấy khoẻ rõ rệt. Đem tặng một anh bạn là doanh nhân bận rộn, anh đem ra pha trà trong mọi cuộc họp với khách hàng, ai cũng khen uống vào sảng khoái, chất lượng cuộc họp cũng từ đó mà hiệu quả hơn. Tony nhờ nhóm Marketing quốc tế, tức nhóm Gánh rau ra chợ Tây ở Hà Nội phụ trách Marketing và xúc tiến xuất khẩu sản phẩm này ra thế giới bên ngoài, và các bạn đang hào hứng triển khai với một quyết tâm mạnh mẽ. Đôi lời nhắn gửi T, người bạn khởi nghiệp với món trà lá khổ qua lên men này, bạn cứ yên tâm nhé. Lập nghiệp là quá trình vô cùng khó khăn và gian khổ, đặc biệt là sản xuất thì càng khổ cực hơn. Ngọc càng mài càng sáng. “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả Anh hùng hào kiệt có hơn ai?” Bạn cứ tự tin với sự nghiệp nhà khoa học làm kinh tế của mình, cứ tiếp tục đam mê trà khổ qua của các bạn. Người Việt sẽ ủng hộ hàng Việt, chắc chắn là như vậy. Các bạn trẻ cứ đam mê nghiên cứu khoa học. Các doanh nghiệp mạnh dạn mua các công trình của các bạn về triển khai thay vì “làm cò”, mua đi bán lại sản phẩm sản xuất từ nước ngoài. Cứ mạnh dạn khởi nghiệp để tạo thành dân tộc cho việc như người Đức, người Nhật, người Hàn… Cứ đi, rồi sẽ đến. Bạn trẻ hãy hướng đến sản xuất mọi sản phẩm thay thế nhập khẩu. Người nước ngoài làm được thì người mình cũng làm được. Cứ quyết tâm, cứ có ý chí, cứ mím chặt môi, cứ nắm chặt tay. Thì khổ mấy cũng qua. Khổ qua khổ qua…
Đọc thêm bài viết khác trong Trên Đường Băng
0888 91 98 99