Hệ miễn dịch là gì và tầm quan trọng của hệ miễn dịch.

1. HỆ MIỄN DỊCH LÀ GÌ?

Hệ thống miễn dịch - một hệ thống được tạo thành từ mạng lưới các tế bào đặc biệt, protein, mô và cơ quan. Chúng phối hợp với nhau để bảo vệ con người chống lại các tác nhân gây hại trong cuộc sống hàng ngày. Một trong những tế bào quan trọng của hệ miễn dịch là tế bào bạch cầu, bao gồm hai loại cơ bản kết hợp với nhau để tìm kiếm và tiêu diệt các sinh vật truyền nhiễm - “những kẻ xâm lược” có hại cho sức khỏe. Hệ miễn dịch tấn công những yếu tố gây bệnh cho cơ thể con người thông qua một loạt các bước được gọi là phản ứng miễn dịch.

Hệ miễn dịch của cơ thể phức tạp và nằm ở khắp các nơi trong người, bao gồm:

  • Amidan cổ họng
  • Hệ thống tiêu hóa
  • Tủy xương
  • Da
  • Hạch bạch huyết
  • Lá lách
  • Niêm mạc mỏng bên trong mũi, họng và bộ phận sinh dục

Vì được phân bố đồng đều khắp cơ thể nên khả năng bảo vệ sẽ được nâng cao hơn trước những tác dộng bất lợi.

2. VAI TRÒ CỦA HỆ MIỄN DỊCH

2.1 Miễn dịch bẩm sinh bảo vệ cơ thể

Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể. Trong khi đó, “những kẻ xâm lược” khiến con người mắc bệnh bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, và thậm chí là nấm. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi và luôn muốn xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Khi đó hệ miễn dịch bắt đầu làm việc:

  • Bước 1: Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ bảo vệ con người bằng cách tạo ra một rào cản ngăn chặn mầm bệnh hoặc kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể. (hệ thống da)
  • Bước 2: Nếu chúng có thể vượt qua khỏi hàng rào, hệ miễn dịch tiếp tục sản sinh các tế bào bạch cầu, cũng như các hóa chất và protein khác nhằm tấn công và phá hủy những yếu tố lạ có thể gây hại này. Sau đó sẽ thúc đẩy loại bỏ chúng ra ngoài cơ thể.
  • Bước 3: Trong trường hợp thất bại, hệ thống phòng thủ của cơ thể còn tăng cường hoạt động mạnh mẽ hơn nữa để kìm hãm, không để cho mầm mống gây bệnh phát triển quá nhiều.

Hệ miễn dịch có thể nhận ra hàng triệu kháng nguyên khác nhau và sẽ phát huy toàn bộ chức năng cần thiết để loại bỏ hầu hết những yếu tố gây bệnh xâm nhập. Nếu hoạt động một cách bình thường, hệ thống phòng thủ phức tạp này có thể ngăn chặn các vấn đề sức khỏe từ cảm lạnh thông thường cho đến ung thư nguy hiểm.

2.2 Miễn dịch đặc hiệu cho từng loại "xâm nhập"

Con người được sinh ra với một mức độ hệ miễn dịch và sức đề kháng nhất định, song chúng sẽ cải thiện dần theo thời gian. Khi trẻ em thường xuyên mắc các bệnh cảm vặt, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra một "ngân hàng" kháng thể trong lần đầu tiên tiếp xúc với căn bệnh và hình thành khả năng chống lại chúng trong tương lai. Một số loại vi khuẩn hay virus với độc lực rất cao có thể nhanh chóng làm hại cơ thể. Chính lúc này hệ miễn dịch đặc hiệu sẽ "điểm mặt" và nhanh chóng tiêu diệt chúng. Có hai cách để có miễn dịch đặc hiệu với một yếu tố: có thời gian mắc và tự khỏi hoặc sử dụng vaccine của bệnh đó.


Tuy nhiên, hệ miễn dịch sẽ trở nên kém hiệu quả hơn khi con người già đi. Suy giảm miễn dịch có thể khiến họ yếu dần và dễ mắc bệnh, phổ biến là viêm khớp và ngay cả là một số loại ung thư.

0888 91 98 99